Đục thuỷ tinh thể là căn bệnh phổ biến ở độ tuổi trên 50 và là nguyên nhân hàng đầu gây ra suy giảm thị lực, mù loà tại Việt Nam. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng cũng như các phương pháp điều trị của đục thuỷ tinh thể để bảo vệ đôi mắt bạn và người thân nhé.
Mục lục
- 1. Thủy tinh thể là gì? Vai trò của thể thủy tinh?
- 2. Đục thủy tinh thể là gì?
- 3. Phân loại đục thủy tinh thể
- 4. Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể?
- 5. Dấu hiệu nhận biết đục thủy tinh thể
- 6. Đục thủy tinh thể có nguy hiểm không?
- 7. Điều trị đục thủy tinh thể như thế nào?
- 8. Câu hỏi thường gặp về mổ đục thuỷ tinh thể
- 9. Lưu ý sau mổ đục thủy tinh thể
- 10. Biện pháp hỗ trợ phục hồi sau mổ đục thủy tinh thể
- 11. Phòng ngừa đục thủy tinh thể
- 12. Dinh dưỡng cho người bị đục thuỷ tinh thể
1. Thủy tinh thể là gì? Vai trò của thể thủy tinh?
Thủy tinh thể là một cấu trúc trong suốt của mắt, giống như thấu kính, hai mặt lồi, nằm về phía sau của mống mắt. Thủy tinh thể hoạt động như một thấu kính hội tụ, cho ánh sáng đi qua và tập trung các tia sáng tại võng mạc. Võng mạc tiếp nhận ánh sáng và gửi tín hiệu lên não. Do đó, thủy tinh thể phải trong suốt để đảm bảo ảnh được rõ ràng và sắc nét.
2. Đục thủy tinh thể là gì?
Đục thủy tinh thể hay còn gọi là bệnh cườm khô, cườm đá, cườm hạt ở mắt là tình trạng thủy tinh thể bị mờ, cản trở đường truyền của tia sáng lên võng mạc, từ đó gây suy giảm thị lực, nguy cơ dẫn tới mù lòa.
Đục thuỷ tinh thể thường phát triển ở cả hai mắt, nhưng không phải lúc nào cũng với tỷ lệ như nhau. Đục thuỷ tinh thể ở một mắt có thể tiến triển hơn mắt còn lại, gây ra sự khác biệt về tầm nhìn giữa hai mắt.
3. Phân loại đục thủy tinh thể
Bệnh đục thủy tinh thể bao gồm các thể như sau:
3.1. Đục thuỷ tinh thể người già
Đục thủy tinh thể thường gặp phổ biến ở những đối tượng có độ tuổi trên 50. Bệnh thường tiến triển chậm, đặc biệt ở giai đoạn đầu rất khó phát hiện bệnh do không có triệu chứng điển hình. Đến giai đoạn muộn hơn, thị lực của mắt bị suy giảm trầm trọng, đồng thời xuất hiện các dấu hiệu như: nhìn mờ ảo, không rõ nét, nhạy cảm với ánh sáng,..
3.2. Đục thuỷ tinh thể bẩm sinh
Bệnh xuất hiện khi trẻ mới sinh hoặc hình thành trong năm đầu đời của trẻ, ít phổ biến hơn so với đục thủy tinh thể do tuổi tác. Nguyên nhân do di truyền (thường là di truyền trội trên NST thường),Rubella bẩm sinh do mẹ nhiễm Rubella khi mang bầu hoặc rối loạn chuyển hoá.
3.3. Đục thuỷ tinh thể do bệnh lý
Bệnh xuất hiện trên những đối tượng có bệnh nền toàn thân như: tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, hạ calci máu, bệnh galactose máu,…
Đục thuỷ tinh thể thường gặp ở người cao tuổi
3.4. Đục thuỷ tinh thể do chấn thương
Chấn thương là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh đục thuỷ tinh thể một bên ở những người trẻ tuổi. Các vết mờ có thể xuất hiện ngay sau chấn thương hoặc diễn biến sau nhiều năm.
4. Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể?
Các nguyên nhân gây đục thuỷ tinh thể bao gồm:
4.1. Nguyên nhân nguyên phát
- Do bẩm sinh: Liên quan đến yếu tố di truyền
- Do tuổi già: Quá trình lão hoá khiến protein và các sợi bên trong thuỷ tinh thể bị phá vỡ và kết tụ lại với nhau, làm che phủ thấu kính, gây hiện tượng tán xạ và chặn ánh sáng đi qua.
4.2. Nguyên nhân thứ phát
- Do mắc các bệnh toàn thân hoặc rối loạn chuyển hoá như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, bệnh Wilson,..
- Do mắc các bệnh tại chỗ như: Viêm màng bồ đào
- Chấn thương mắt
- Sử dụng thuốc chứa các hoạt chất ảnh hưởng tới mắt như: corticoid, thuốc chống loạn nhịp tim (Amiodarone), thuốc hạ mỡ máu, thuốc chống trầm cảm,…
- Thường xuyên tiếp xúc với: tia hàn, tia tử ngoại, tia chớp,…
5. Dấu hiệu nhận biết đục thủy tinh thể
Vào giai đoạn đầu bệnh thường tiến triển chậm,ít ảnh hưởng đến tầm nhìn của người bệnh. Bệnh nhân khó phát hiện bệnh cho đến khi bước vào giai đoạn nặng hơn, với các triệu chứng đặc trưng như:
- Suy giảm thị lực: Mờ mắt, mỏi mắt; cảm giác như có màn sương trước mắt. Thị lực nhìn xa thường giảm trước thị lực nhìn gần
- Khó nhìn vào ban đêm
- Nhạy cảm với ánh sáng, nhìn loá, chói mắt, xuất hiện quầng sáng
- Rối loạn màu sắc: Làm phai màu hoặc ố vàng màu khi nhìn
- Cận thị hóa: Biểu hiện giảm số kính lão
- Song thị một mắt: Nhìn mọi vật thành hai,thành ba
6. Đục thủy tinh thể có nguy hiểm không?
Đục thuỷ tinh thể nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Tăng nhãn áp: Trong quá trình diễn biến bệnh có thể xuất hiện tình trạng thuỷ tinh thể ngấm nước và phồng lên làm ảnh hưởng đến chức năng điều tiết thể dịch của mắt, gây tăng nhãn áp. Tình trạng này kéo dài còn có thể gây teo dây thần kinh thị giác không phục hồi, thậm chí dẫn tới mù loà.
- Viêm màng bồ đào: Khi thuỷ tinh thể đục hoàn toàn có thể dẫn đến tình trạng vỡ bao. Lúc này, protein của thuỷ tinh thể sẽ bị cơ thể tấn công và gây ra hiện tượng viêm tự miễn.
Chính vì vậy, bệnh nhân bị đục thuỷ tinh thể nên tiến hành mổ càng sớm càng tốt. Nếu để lâu ngày, thuỷ tinh thể bị đục hoàn toàn khiến quá trình phẫu thuật trở nên khó khăn hơn, tăng nguy cơ tổn thương các vùng cơ quan xung quanh.
7. Điều trị đục thủy tinh thể như thế nào?
7.1. Sử dụng kính hỗ trợ
Đối với đục thuỷ tinh thể giai đoạn sớm, thị lực chưa suy giảm nhiều, các bác sĩ thường cho bệnh nhân sử dụng kính hoặc kính lúp để hỗ trợ. Đồng thời, bệnh nhân cần làm việc trong môi trường đủ ánh sáng để giảm thiểu nguy cơ rối loạn thị giác.
7.2. Mổ đục thủy tinh thể
Khi thị lực của bệnh nhân ở mức dưới 3/10, các bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân phẫu thuật sớm để giảm thiểu các biến chứng. Phương pháp phẫu thuật được sử dụng phổ biến nhất ở nước ta hiện nay là phương pháp Phaco (Phacoemulsification).
Trong quá trình phẫu thuật Phaco,các bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở phần rìa của giác mạc để tiếp cận với phần thuỷ tinh thể bị đục
Tiếp theo, họ sẽ sử dụng các công cụ phẫu thuật để xé lớp màng trước của bao chứa thuỷ tinh thể. Sau đó, đưa vào một đầu dò siêu âm nhỏ, dùng năng lượng siêu âm cao tần phá vỡ và tán nhuyễn thuỷ tinh thể đục cứng thành các mảnh nhỏ phù hợp để có thể hút ra ngoài.
Sau khi loại bỏ các hạt thuỷ tinh thể, bác sĩ tiến hành đặt thuỷ tinh thể nhân tạo vào trong dụng cụ bơm và đưa vào mắt thông qua đường rạch nhỏ ở giác mạc. Do đường rạch rất nhỏ nên giác mạc có khả năng tự liền lại mà không cần khâu.
Khi thuỷ tinh thể nhân tạo đã cố định vào đúng vị trí các bác sĩ sẽ tiến hành khử trùng và kết thúc ca phẫu thuật.
Phẫu thuật đục thuỷ tinh thể
8. Câu hỏi thường gặp về mổ đục thuỷ tinh thể
8.1. Mổ đục thuỷ tinh thể bao nhiêu tiền?
Phẫu thuật đục thuỷ tinh thể bằng phương pháp Phaco với các ưu điểm như: hiệu quả hồi phục tốt, an toàn, nhanh chóng đang được áp dụng ngày một phổ biến ở nước ta.
Chi phí cho một ca phẫu thuật từ 4 đến 50 triệu, bao gồm: chi phí phẫu thuật, loại thuỷ tinh thể nhân tạo thay thế, đơn thuốc sau phẫu thuật.
Thuỷ tinh thể nhân tạo thay thế là yếu tố chính quyết định chi phí của ca phẫu thuật. Tuỳ vào tình trạng mắt và nhu cầu của người bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhận lựa chọn một trong số thuỷ tinh thể nhân tạo sau đây:
- Thuỷ tinh thể nhân tạo đơn tiêu cự: Mang lại tầm nhìn khá rõ, thường là khoảng cách nhìn xa hoặc nhìn gần. Bệnh nhân cần sử dụng mắt kính để hỗ trợ. Chi phí giao động từ 3 đến 30 triệu
- Thuỷ tinh thể nhân tạo đa tiêu cự: Mang lại tầm nhìn khá rõ nét ở các khoảng cách gần, trung và xa. Bệnh nhân không hoặc ít khi cần sử dụng kính hỗ trợ. Chi phí giao động từ 20 đến 50 triệu.
Xem thêm: [Bảng giá] Mổ mắt Relex Smile bao nhiêu tiền?
8.2. Mổ đục thủy tinh thể có được bảo hiểm không?
Với những bệnh nhân có Bảo hiểm y tế và phẫu thuật đúng tuyến thì sẽ được Bảo hiểm y tế chi trả một phần chi phí tuỳ theo mức hưởng khi tham gia bảo hiểm của bệnh nhân.
8.3. Mổ đục thủy tinh thể bao lâu mới lành?
Một ca phẫu thuật mổ đục thuỷ tinh thể thông thường chỉ diễn ra trong vòng 10-15 phút. Sau phẫu thuật, bệnh nhân thường nhìn mờ, cộm và ngứa trong vòng vài giờ đến vài ngày đầu. Sau 4-6 tuần thị lực của bệnh nhân sẽ cải thiện và ổn định hoàn toàn. Khung thời gian này sẽ phụ thuộc vào cơ địa, tuổi tác và tình trạng mắt của mỗi người. Đặc biệt ở những bệnh nhân có tiền sử glocom, tiểu đường hoặc tăng huyết áp thời gian phục hồi thường lâu hơn và có thể không đạt thị lực tối đa sau phẫu thuật.
Sau 4-6 tuần bệnh nhân sau phẫu thuật khúc xạ có thể hồi phục
8.4. Mổ đục thuỷ tinh thể được bao lâu?
Thủy tinh thể nhân tạo được làm từ các chất liệu như: silicon, acrylic tương thích sinh học, không gây phản ứng đào thải hoặc kích ứng mắt.
Sau khi mổ, thủy tinh thể nhân tạo sẽ tồn tại vĩnh viễn trong mắt mà không cần nuôi dưỡng hay chăm sóc. Tuy nhiên điều quan trọng là bệnh nhân phải tuân theo tất cả các hướng dẫn sau phẫu thuật như: đảm bảo nghỉ ngơi đầy đủ, không dụi mắt, tránh va chạm vào mắt, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ
8.5. Thuỷ tinh thể thay được mấy lần?
Thông thường mổ đục thủy tinh thể chỉ thực hiện một lần. Tuy nhiên trong trường hợp sau phẫu thuật thị lực của bệnh nhân không tốt do sai số công suất thủy tinh thể dẫn tới độ lệch khúc xạ quá lớn, bệnh nhân cần thay một thủy tinh thể nhân tạo khác. Lúc này bác sĩ sẽ làm phẫu thuật lấy thủy tinh thể nhân tạo cũ ra và thay bằng thủy tinh thể nhân tạo mới có thông số phù hợp với mắt của người bệnh.
9. Lưu ý sau mổ đục thủy tinh thể
9.1. Sau mổ đục thủy tinh thể uống thuốc gì?
Để phòng ngừa nguy cơ viêm, nhiễm trùng mắt sau phẫu thuật, các bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc như:
- Thuốc kháng sinh, kháng viêm steroid
- Thuốc giảm đau: Paracetamol, ibuprofen
Lưu ý: Bệnh nhân cần sử dụng thuốc theo đúng liệu trình của bác sĩ ngay cả khi cảm thấy mắt đã ổn định. Vệ sinh tay chân sạch sẽ trước và sau khi dùng thuốc.
9.2. Sau mổ đục thủy tinh thể kiêng gì?
Mổ đục thủy tinh thể bao lâu thì lành phụ thuộc rất nhiều vào việc người bệnh chăm sóc mắt hậu phẫu có tốt hay không. Một số hoạt động bệnh nhân cần tránh trong vòng 4-6 tuần sau phẫu thuật để mắt phục hồi tốt nhất:
- Không dụi, cọ xát mắt
- Không cúi đầu quá thấp
- Không để nước, dầu gội hay xà phòng dính vào mắt
- Không hoạt động gắng sức như: tập thể dục, nâng vác vật nặng
- Không trang điểm mắt
- Không đi bơi hoặc đi máy bay
10. Biện pháp hỗ trợ phục hồi sau mổ đục thủy tinh thể
Phẫu thuật đục thủy tinh thể là quá trình có độ rủi ro thấp, tuy nhiên để đảm bảo đạt được kết quả tốt nhất, người bệnh cần tuân thủ 6 biện pháp hỗ trợ sau đây:
- Đeo kính bảo hộ: Đeo kính bảo hộ thường xuyên trong vòng 1-2 tuần để tránh khói bụi và hạn chế thói quen dụi mắt
- Tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ
- Vệ sinh mắt hằng ngày bằng nước muối sinh lý. Tránh để nước tiếp xúc trực tiếp với mắt trong vòng 3-5 ngày đầu sau phẫu thuật.
- Hoạt động từ từ, nhẹ nhàng trong vòng 3-5 ngày đầu tiên
- Xây dựng chế độ khoa học, bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho mắt như: DHA, EPA, Vitamin A, Vitamin C.
- Tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ
Tái khám theo chỉ định của bác sĩ
11. Phòng ngừa đục thủy tinh thể
Chế độ dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới sự hình thành đục thủy tinh thể. Để phòng ngừa đục thủy tinh thể bạn cần lưu ý:
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá
- Giảm sử dụng rượu, bia
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh: Bạn nên bổ sung thêm trái cây và các loại rau quả nhiều màu sắc vào chế độ ăn uống của mình để đảm bảo bổ sung đầy đủ vitamin, các chất chống oxy hóa; giúp duy trì sức khỏe cho đôi mắt
- Đeo kính râm thường xuyên: Tia cực tím từ mặt trời có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh đục thủy tinh thể. Đeo kính râm giúp ngăn tia cực tím B (UVB) tiếp xúc trực tiếp với mắt bạn khi ở ngoài trời.
- Để mắt nghỉ ngơi đầy đủ: Chớp mắt thường xuyên, thực hiện các bài tập tốt cho mắt
- Khám mắt định kỳ: Khám mắt thường xuyên có thể giúp bạn phát hiện bệnh đục thủy tinh thể hoặc các vấn đề về mắt khác ở giai đoạn sớm nhất.
12. Dinh dưỡng cho người bị đục thuỷ tinh thể
12.1. Bị đục thuỷ tinh thể nên ăn gì?
Sau khi mổ đục thủy tinh thể, người bệnh cần bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho mắt như Vitamin và các chất chống oxy hóa để nhanh chóng phục hồi sức khỏe và hạn chế các biến chứng sau phẫu thuật. Dưới đây là những thực phẩm mà bạn có thể thêm vào thực đơn của mình để tăng cường sức khỏe cho đôi mắt:
- Thực phẩm giàu omega-3: Các loại cá như cá hồi, cá ngừ, cá thu là nguồn thực phẩm rất giàu omega-3; giúp giảm khô mắt, giảm nguy cơ phát triển và tiến triển của bệnh đục thủy tinh thể
- Thực phẩm giàu vitamin và các khoáng chất cần thiết: Trái cây và rau là nguồn cung cấp vitamin cao nhất trong tất cả các loại thực phẩm. Một số loại trái cây họ cam quýt như: chanh, cam, bưởi,..rất giàu vitamin C – một chất chống oxy hóa được Hiệp hội nhãn khoa Hoa Kỳ (AOA) khuyên dùng để chống lại các tổn thương mắt do tuổi tác. Đây cũng là nguồn thực phẩm giàu khoáng chất quan trọng với cơ thể như: sắt, kẽm
- Thực phẩm giàu tinh bột: Ngũ cốc, gạo, khoai lang là những thực phẩm giàu tinh bột, giúp bổ sung năng lượng, nhanh lành vết thương.
- Thực phẩm giàu đạm: Một số loại thực phẩm như thịt bò, hải sản, trứng, sữa là nguồn thực phẩm giàu đạm, cung cấp axit amin dồi dào giúp cơ thể tái tạo mô mắt.
- Nước: Đừng quá ngạc nhiên bởi nước đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình chuyển hóa, trao đổi chất, giúp đào thải các chất không cần thiết ra khỏi cơ thể.
12.2. Bị đục thuỷ tinh thể kiêng ăn gì?
Bên cạnh việc bổ sung một số thực phẩm lành mạnh, cần thiết; sau phẫu thuật người bệnh cũng cần lưu ý hạn chế những thực phẩm dưới đây để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng hồi phục của mắt:
- Thực phẩm chứa nhiều đường (VD: bánh kẹo, nước ngọt,..): Những loại thực phẩm này có thể làm tăng đột biến lượng đường trong máu, ảnh hưởng tới các mạch máu trong võng mạc, làm chậm quá trình phục hồi, lành vết thương
- Thực phẩm chứa nhiều muối và chất bảo quản: Hạn chế ăn muối và các loại đồ ăn đóng hộp, tránh làm tăng quá trình oxy hóa, hạn chế khả năng hồi phục sau phẫu thuật.
- Đồ ăn cay nóng, thực phẩm chứa các chất kích thích: Những thực phẩm này có thể làm tăng quá trình oxy hóa sinh ra các gốc tự do, dẫn đến nguy cơ tái phát đục thủy tinh thể sau mổ
Đục thuỷ tinh thể là căn bệnh nguy hiểm, gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Khi đã có các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh, bạn nên đến ngay các cơ sở y tế thăm khám và điều trị, tránh để bệnh diễn biến lâu dài gây tăng nguy cơ mù loà.